(Hà Nội, 06/02/2021) Tháng 2/2021, Công ty Cổ phần giáo dục Educa Corporation – Startup Việt Nam trong lĩnh vực Giáo dục tiếng Anh đã nhận khoản đầu tư lớn từ một Quỹ đầu tư Singapore.
Giá trị thương vụ và thông tin nhà đầu tư tạm thời chưa được tiết lộ. Sau đầu tư, Educa vẫn là cổ đông chi phối duy nhất. Nhà đầu tư sẽ hưởng lợi ích từ phần đầu tư theo tỷ lệ phân bổ.
Educa được thành lập vào năm 2018 với sứ mệnh “Sử dụng công nghệ để xóa nhòa khoảng cách về điều kiện học tập”, doanh nghiệp tập trung vào việc giải quyết hạn chế, khó khăn trong việc học Tiếng Anh của đại đa số học sinh Việt Nam.
Xuất phát từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh chuẩn quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, giúp các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh thành thạo, đội ngũ sáng lập Educa đã bắt đầu vào xây dựng sản phẩm đầu tiên với tên gọi “Edupia - Tiếng Anh online chất lượng cao cho học sinh tiểu học”.
Sau 3 năm ra mắt, Edupia ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với 500.000 người dùng trả phí, trở thành thương hiệu hàng đầu trên thị trường Tiếng Anh online.
Start-up hiện tiếp tục xây dựng và phát triển thêm các chương trình tiếng Anh Self-learning dành cho các nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu mới như Babilala - Chương trình tiếng Anh chuẩn châu Âu cho trẻ từ 3-8 tuổi và chương trình Gia sư trực tuyến Edupia Tutor.
Ông Trần Đức Hùng – TGĐ Công ty Cổ phần Giáo dục Educa cho biết, ngoài các sản phẩm hiện có, Educa sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai các mô hình hiện đại và tiên tiến nhất trong lĩnh vực đào tạo Tiếng Anh giúp học sinh Việt Nam có thêm nhiều cơ hội học tiếng Anh dễ dàng và chất lượng.
Với thương vụ đầu tư này, Educa sẽ đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng kỹ thuật và nghiên cứu sản phẩm mới hướng tới mục tiêu đạt 2 triệu người dùng trả phí trên tổng thị trường 20 triệu học sinh Việt Nam vào năm 2025.
Bên cạnh đó, Educa sẽ hợp tác với nhà đầu tư để triển khai các chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng chuyên môn và kinh nghiệm của nhà đầu tư về lĩnh vực Giáo dục trên thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp bắt đầu triển khai Quốc tế hóa sản phẩm, “tấn công” sang các thị trường mới trong khu vực Đông Nam Á.